source
stringlengths
64
222
subject
stringlengths
8
234
text
stringlengths
31
1.44M
meta
dict
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Quyet-dinh-92-2007-QD-UBND-che-do-thu-nop-quan-ly-su-dung-le-phi-111088.aspx
Quyết định 92/2007/QĐ-UBND chế độ thu nộp quản lý sử dụng lệ phí
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------- Số: 92/2007/QĐ-UBND Thủ Dầu Một, ngày 20 tháng 8 năm 2007 QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004; Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí; Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Căn cứ Nghị quyết số 08/2007/NQ-HĐND7 ngày 20/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với đối tượng thu và mức thu như sau: 1. Đối tượng thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng công trình bao gồm: Xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, sửa chữa lớn, trùng tu, tôn tạo thuộc diện phải được cấp giấy phép xây dựng theo khoản 1, Điều 17 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và khoản 9, mục 1, Điều 1 của Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 nêu trên. Trừ các công trình được miễn cấp giấy phép xây dựng sau đây: a) Công trình thuộc bí mật quốc gia, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ xây dựng công trình chính; b) Công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; c) Công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; d) Các công trình sửa chữa, cải tạo lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình; đ) Công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô nhỏ thuộc các vùng sâu, vùng xa; e) Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung; nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn chưa có quy định xây dựng được duyệt. 2. Đối tượng nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng là các chủ đầu tư các công trình thuộc đối tượng phải thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng quy định tại khoản 1 của Điều này. 3. Mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng được quy định như sau: a) Mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với: - Nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép): 50.000 (năm mươi ngàn) đồng/giấy phép; - Công trình khác: 100.000 (một trăm ngàn) đồng/giấy phép. b) Mức thu gia hạn giấy phép xây dựng: 10.000 (mười ngàn) đồng/giấy phép. 4. Thời gian thực hiện: bắt đầu từ ngày 01/9/2007. Điều 2. Tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng 1. Sở Xây dựng, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ tổ chức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng (dưới đây gọi chung là cơ quan thu). 2. Cơ quan thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm: a) Niêm yết công khai mức thu lệ phí tại trụ sở cơ quan nơi thu lệ phí; b) Khi thu tiền lệ phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế; c) Thực hiện đăng ký, kê khai, thu, nộp, quyết toán tiền lệ phí thu được theo quy định hiện hành. 3. Cơ quan thu lệ phí được để lại 10% trên tổng số tiền lệ phí thực thu được trước khi nộp vào ngân sách Nhà nước để chi phí cho công việc thu lệ phí, theo nội dung cụ thể sau đây: a) Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thu lệ phí như văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành; b) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thu lệ phí; c) Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ công nhân viên tham gia cấp giấy phép và thu lệ phí trong đơn vị. Mức trích 02 quỹ khen thưởng, phúc lợi bình quân 1 năm, một người tối đa không quá 03 tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 02 tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước, sau khi đảm bảo các chi phí quy định tại điểm a, b khoản này. Toàn bộ số tiền lệ phí được để lại theo quy định, cơ quan thu lệ phí phải sử dụng đúng mục đích, có chứng từ hợp pháp theo chế độ quy định và quyết toán hàng năm; nếu sử dụng không hết trong năm thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. 4. Tổng số tiền lệ phí cấp giấy phép xây dựng thu được sau khi trừ số được để lại theo tỷ lệ 10% quy định tại khoản 3 Điều này, số còn lại 90% cơ quan thu lệ phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo chương, loại, khoản tương ứng, mục 046, tiểu mục 11 mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành theo thủ tục và thời hạn quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí. 5. Hàng năm, căn cứ mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng, nội dung chi ở phần trên và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, các cơ quan thu lệ phí lập dự toán thu - chi tiền lệ phí cấp giấy phép xây dựng chi tiết theo mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành, gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định. 6. Cơ quan thu lệ phí thực hiện quyết toán việc sử dụng biên lai thu lệ phí, số tiền lệ phí thu được, số để lại cho đơn vị, số phải nộp ngân sách, số đã nộp và số còn phải nộp ngân sách Nhà nước với cơ quan thuế; quyết toán việc sử dụng số tiền được để lại với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định. Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./. TM. UỶ BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Nguyễn Hoàng Sơn
{ "issuing_agency": "Tỉnh Bình Dương", "promulgation_date": "20/08/2007", "sign_number": "92/2007/QĐ-UBND", "signer": "Nguyễn Hoàng Sơn", "type": "Quyết định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Thong-bao-485-TB-BGTVT-ket-luan-Thu-truong-Ngo-Thinh-Duc-tai-cuoc-hop-Doan-Ngan-hang-phat-trien-Chau-A-ADB-trien-khai-du-an-vay-von-ADB-97019.aspx
Thông báo 485/TB-BGTVT kết luận Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức tại cuộc họp Đoàn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) triển khai dự án vay vốn ADB
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------- Số: 485/TB-BGTVT Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2009 THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGÔ THỊNH ĐỨC TẠI CUỘC HỌP VỚI ĐOÀN NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN VAY VỐN ADB Ngày 26 tháng 10 năm 2009, tại Văn phòng Bộ GTVT, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã chủ trì cuộc họp Với đoàn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tình hình triển khai các dự án vay vốn ADB. Tham dự buổi họp có Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Lãnh đạo và chuyên viên Vụ KHĐT, Vụ KHCN, Vụ HTQT, Vụ KCHTGT, Vụ Tài chính, Cục QLXD & CLCTGT, Cục ĐBVN, Tổng công ty Đường sắt VN, Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Ban QLDA Mỹ Thuận, Ban QLDA1 và Ban QLDA6. Sau khi nghe Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á đưa ra các nội dung về tiến độ triển khai và các vướng mắc cần xem xét giải quyết, ý kiến của các đại biểu tham dự, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã kết luận các nội dung cụ thể như sau: 1. Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ: - Giao Vụ KHĐT dự thảo văn bản gửi các Ban QLDA liên quan có báo cáo đánh giá đầu tư đối với các dự án do ADB đầu tư, rà soát tiến độ, tìm nguyên nhân gây chậm trễ kiến nghị giải pháp cho từng dự án báo cáo Bộ trước ngày 15/11/2009. Với các dự án có nguy cơ phải gia hạn Hiệp định tín dụng, Vụ KHĐT phối hợp với các Ban QLDA thực hiện các thủ tục gia hạn (trước mắt có thư gửi ADB đề nghị gia hạn Hiệp định dự án); - Vụ KHĐT (Ông Hảo) chủ trì phối hợp với Cục Quản lý xây dựng & CLCTGT (Ông Hà), Vụ Tài chính (Bà Thảo) nghiên cứu và tham mưu cho Bộ các nội dung về hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cho các Cơ quan quản lý dự án (Bộ GTVT, các chủ đầu tư, các Ban QLDA). Ngoài ra nghiên cứu thêm công tác tăng cường năng lực cho các sở GTVT tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý (vì đây là một nguyên nhân gây chậm dự án); - Đề nghị ADB cung cấp cuốn sách Xanh và hướng dẫn thực hiện, Vụ KHĐT chủ trì có văn bản phổ biến về nội dung và việc sử dụng cho các đơn vị liên quan; 2. Về tiến độ và giải quyết các vướng mắc cụ thể của một số dự án: - Về hỗ trợ kỹ thuật dự án Cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn và dự án Cao tốc Hạ Long Móng Cái: ưu tiên kinh phí để hoàn thành chuẩn bị dự án Cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn do đây là dự án bức xúc hơn về kinh tế và xã hội. Nếu thiếu vốn cho công tác chuẩn bị dự án, VEC nghiên cứu trình Bộ (thông qua Vụ KHĐT) phương án để xem xét tìm nguồn vốn; Với dự án Cao tốc Hạ Long Móng Cái, Dự án nâng cấp mở rộng QL18 đang được triển khai nên có thể lùi thời gian chuẩn bị dự án (Xếp ưu tiên 2); - Dự án Cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây: giao VEC lập kế hoạch, tiến độ chi tiết để phân bổ vốn và triển khai thực hiện đặc biệt là tiến độ GPMB và tái định cư; - Dự án Cao tốc Nội Bài – Lào Cai: đề nghị ADB sớm phê duyệt kết quả tư vấn giám sát để triển khai hợp đồng xây lắp đẩy nhanh tiến độ dự án. Vấn đề GPMB, Bộ GTVT sẽ tổ chức các buổi làm việc với chính quyền địa phương các tỉnh chậm GPMB. Vụ KHĐT phối hợp với VEC có thư gửi ADB đề nghị bổ sung vốn 350 triệu USD cho dự án; - Dự án Hành lang ven biển phía Nam: Cục Quản lý xây dựng & CLCTGT phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận họp giải quyết các vấn đề về kỹ thuật (28/10/2009). Về vấn đề thiếu vốn, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với chính phủ Hàn Quốc và EDCF đã có cam kết bổ sung 70 triệu USD vốn thiếu của dự án. Bộ GTVT sẽ tổ chức cuộc họp ba bên với Bộ GTCC Căm Pu Chia và ADB tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Kiên Giang dự kiến vào tháng 11/2009. Giao Vụ HTQT làm việc cụ thể với ADB về địa điểm, thành phần, chủ trì chuẩn bị, tổ chức và điều phối. Vụ KHĐT làm việc với Ban Mỹ Thuận để có kế hoạch bổ sung vốn dự kiến cho tuyến tránh Rạch Giá vào cuối năm và làm việc với Bộ KH&ĐT bổ sung danh mục dự án; - Dự án Tỉnh lộ: yêu cầu ban QLDA6 chỉ đạo phong tài chính của Ban hoàn thiện thủ tục rút vốn về chi phí xây dựng trụ sở làm việc của Ban và làm việc với các Vụ Tài chính của Bộ để giải quyết các vướng mắc, đảm bảo trước 30/10/2009 hoàn thiện thủ tục theo yêu cầu của ADB; - Dự án Đường sắt Yên Viên – Lào Cai: là dự án ưu tiên của Chính phủ, yêu cầu Tổng công ty Đường sắt tính toán cụ thể tổng mức đầu tư dự án, phần ADB tài trợ và phần còn lại phải bổ sung, đề xuất phương án vốn và có cam kết trước khi thực hiện tiếp công tác đấu thầu, đồng thời làm báo cáo giám sát đầu tư trình Bộ. Vụ KHĐT thảo thư gửi ADB đề nghị bổ sung vốn và gia hạn Hiệp định. Về phương thức đấu thầu, Tổng công ty làm việc với ADB để quyết định tránh làm chậm tiến độ dự án; - Dự án ADB5: Cục Quản lý xây dựng & CLCTGT làm việc với Ban QLDA1 các đơn vị liên quan để xem xét giải quyết các vướng mắc về kỹ thuật và quản lý dự án tham mưu cho Bộ biện pháp đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành dự án đúng thời hạn. Liên quan đến vấn đề GPMB và các vấn đề khác, Ban QLDA1 có báo cáo cụ thể Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng trước 30/10/2009 để Thứ trưởng chỉ đạo giải quyết. Nếu cần tổ chức họp tại địa phương đề nghị cam kết cụ thể tiến độ GPMB, nếu không đảm bảo sẽ cắt vốn tại địa phương đó; - Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án kết nối đồng bằng sông Mê Kông thiếu vốn, Bộ GTVT đã làm việc với AusAID, phía Úc đã đồng ý sử dụng vốn của AusAID chưa sử dụng để thực hiện, đề nghị ADB cho ý kiến sớm; - ADB thông báo tổ chức Hội thảo tại khách sạn HORISON để phổ biến cuốn sách Xanh vào 27/10/2009 và có cuộc họp với Bộ KH&ĐT về danh mục dự án vào 03/11/2009. Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GTVT, Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện./. Nơi nhận: - Bộ trưởng (để b/c); - Các Thứ trưởng (đÓ b/c); - Các đơn vị dự họp; - Ngân hàng Phát triển châu á tại Hà Nội; - Lưu VT, KHĐT. TL. BỘ TRƯỞNG CHÁNH VĂN PHÒNG Nguyễn Văn Công
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "30/10/2009", "sign_number": "485/TB-BGTVT", "signer": "Nguyễn Văn Công", "type": "Thông báo" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xuat-nhap-khau/Thong-bao-13782-TB-TCHQ-nam-2014-phan-loai-hang-hoa-xuat-nhap-khau-Dung-dich-Millionate-MR-2-258386.aspx
Thông báo 13782/TB-TCHQ năm 2014 phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu Dung dịch Millionate MR-2
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 13782/TB-TCHQ Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2014 THÔNG BÁO VỀ KẾT QUẢ PHÂN LOẠI ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU Căn cứ Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22/1/2003 của Chính phủ quy định về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Căn cứ Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Trên cơ sở kết quả phân tích của Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK (Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh) tại thông báo số 206/TB-PTPLHCM-14 ngày 25/1/2014 và Công văn số 520/PTPLHCM-NV ngày 20/3/2014, Công văn số 1486/PTPLHCM-NV ngày 16/9/2014 và đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan thông báo kết quả phân loại hàng hóa như sau: 1. Tên hàng theo khai báo: Dung dịch Millionate MR-200 (Polymethylene polyphenyl polyisocyanate), nguyên liệu phục vụ sản xuất keo dán gỗ. 2. Đơn vị nhập khẩu: Công ty TNHH Koyo Sangyo Việt Nam; địa chỉ: Lô B_3B10_CN, KCN Mỹ Phước 3, Bến Cát, Bình Dương; mã số thuế: 3701921967. 3. Số, ngày tờ khai hải quan: 4301/NKD05 ngày 29/10/2013 tại Chi cục HQ KCN Mỹ Phước- Cục Hải quan tỉnh Bình Dương. 4. Tóm tắt mô tả và đặc tính hàng hóa: Poly(methylene phenyl isocyanate), dạng nguyên sinh. 5. Kết quả phân loại: Tên thương mại: Millionate MR-200. Tên gọi theo cấu tạo, công dụng: Poly(methylene phenyl isocyanate), dạng nguyên sinh. Ký, mã hiệu, chủng loại: Không có thông tin. Nhà sản xuất: Không có thông tin. thuộc nhóm 39.09 "Nhựa amino, nhựa phenolic và polyurethan, dạng nguyên sinh", phân nhóm 3909.30 "- Nhựa amino khác", phân nhóm "-- Loại khác", mã số 3909.30.99 "--- Loại khác" tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Thông báo này có hiệu lực kể từ ngày ban hành./. KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguyễn Dương Thái
{ "issuing_agency": "Tổng cục Hải quan", "promulgation_date": "13/11/2014", "sign_number": "13782/TB-TCHQ", "signer": "Nguyễn Dương Thái", "type": "Thông báo" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-76-KH-UBND-2018-danh-gia-xep-hang-ket-qua-cai-cach-hanh-chinh-Vung-Tau-392520.aspx
Kế hoạch 76/KH-UBND 2018 đánh giá xếp hạng kết quả cải cách hành chính Vũng Tàu
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 76/KH-UBND Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 04 tháng 7 năm 2018 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ, XẾP HẠNG KẾT QUẢ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU. Thực hiện Quyết định số 2948/QĐ-BNV ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thực hiện Quyết định số 3768/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2018 trên địa bàn như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Mục đích - Hoàn chỉnh Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC áp dụng trong tỉnh theo Quyết định số 2925/QĐ-UBND ngày 16/10/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ Chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC trên địa bàn tỉnh. - Triển khai đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số CCHC năm 2018 đối với các Sở, ban, ngành; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện và UBND cấp xã. - Trên cơ sở kết quả phân loại, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC được công bố, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ về CCHC của đơn vị cho phù hợp với yêu cầu chung của tỉnh; đề ra các giải pháp khắc phục được những thiếu sót, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC của đơn vị và toàn tỉnh. Khen thưởng về công tác CCHC hàng năm. 2. Yêu cầu - Các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ hoặc tham gia phối hợp xây dựng Chỉ số CCHC đảm bảo chất lượng công việc và tiến độ được giao. - Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ, trách nhiệm về đánh giá, chấm điểm công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, bảo đảm trung thực, chính xác, khách quan, đúng thời gian quy định và vận dụng các ngành. - Tổ chức điều tra xã hội học thực hiện theo Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được ban hành kèm theo Chỉ số CCHC của UBND tỉnh bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế. - Các Chỉ số kết quả CCHC phải gắn với các chỉ số về năng lực cạnh tranh, chỉ số CCHC cấp tỉnh; kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI STT Nội dung Cơ quan chủ trì Cơ quan phối hợp Thời gian thực hiện 1 Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC trên địa bàn tỉnh. Sở Nội vụ Các Sở, cơ quan ngang Sở, các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã Trình UBND tỉnh trước tháng 09/2018 2 Phối hợp với Sở TTTT vận hành phần mềm chấm điểm chỉ số CCHC cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời khắc phục những lỗi, hạn chế trong quá trình vận hành phần mềm Sở Nội vụ; Sở Thông tin và Truyền thông Các Sở, cơ quan ngang Sở, các cơ quan TW và UBND cấp huyện, cấp xã. Trong năm 2018 3 Hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong việc tự chấm điểm, đánh giá Bộ chỉ số CCHC (Văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn) Sở Nội vụ Các Sở, cơ quan ngang Sở, các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã Tháng 10/2018 4 Kiện toàn Tổ đánh giá, chấm điểm Sở Nội vụ Các Sở, ban, ngành là đầu mối tham mưu công tác CCHC tỉnh Tháng 10/2018 5 Hoàn thiện cơ sở dữ liệu hồ sơ, tài liệu kiểm chứng và tự đánh giá chấm điểm chỉ số CCHC năm 2018 Các Sở, cơ quan ngang Sở, các cơ quan TW và UBND cấp huyện, cấp xã Sở Nội vụ và thành viên tổ chấm điểm của tỉnh Hoàn thành trong tháng 11/2018 6 Tổ chức điều tra xã hội học phục vụ Bộ chỉ số CCHC Bưu điện tỉnh Các Sở, cơ quan ngang Sở; cơ quan Trung ương; UBND cấp huyện, cấp xã. Hoàn thành trong tháng 11/2018 7 Tổ chức đánh giá, thẩm định chỉ số CCHC. Tổ chấm điểm chỉ số CCHC Các Sở, cơ quan ngang Sở; cơ quan Trung ương; UBND cấp huyện, cấp xã. Hoàn thành trong tháng 12/2018 8 Tổng hợp, xử lý số liệu để xác định chỉ số CCHC năm 2018 tại các đơn vị, địa phương. Sở Nội vụ Bưu điện tỉnh Hoàn thành trong tháng 12/2019 9 Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Bộ chỉ số CCHC năm 2018 tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh Sở Nội vụ Thành viên Tổ chấm điểm của tỉnh Hoàn thành trong tháng 01/2019 10 Tổ chức công bố chỉ số CCHC năm 2018 Sở Nội vụ Các cơ quan liên quan Tháng 01/2019 II. PHƯƠNG THỨC ĐÁNH GIÁ 1. Tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của Cơ quan, đơn vị - Các cơ quan, đơn vị tự đánh giá kết quả công tác CCHC năm 2018 của đơn vị mình bằng cách cho điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC, kèm theo tài liệu kiểm chứng trên Phần mềm chấm điểm Cải cách hành chính tỉnh (sau đây gọi là phần mềm) đã được triển khai từ tháng 12/2017. - Đối với những tiêu chí, tiêu chí thành phần không có tài liệu kiểm chứng hoặc tài liệu kiểm chứng chưa thể hiện hết nội dung đánh giá, chấm điểm, đơn vị phải có giải thích cụ thể bằng văn bản về cách đánh giá, tính điểm đính kèm theo tài liệu kiểm chứng tại tiêu chí đó trên phần mềm. 2. Tổ chức thẩm định, đánh giá kết quả tự chấm điểm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ đánh giá, chấm điểm xác định chỉ số CCHC tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là Tổ đánh giá) sẽ thẩm định kết quả tự đánh giá thực hiện công tác CCHC của các đơn vị, địa phương trên phần mềm. a) Kết quả tự chấm điểm CCHC của UBND cấp xã: - UBND cấp huyện tổ chức thẩm định, đánh giá kết quả tự chấm điểm công tác CCHC của UBND cấp xã trực thuộc (trên cơ sở kết quả tự chấm điểm của UBND cấp xã) trên phần mềm. - Tổ đánh giá sẽ thẩm định tham mưu UBND tỉnh đánh giá kết quả tự chấm điểm của UBND cấp xã sau khi UBND cấp huyện thẩm định trên phần mềm. b) Kết quả tự chấm điểm CCHC của các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và UBND cấp huyện: Tổ đánh giá chấm điểm sẽ thẩm định tham mưu UBND tỉnh đánh giá kết quả tự chấm điểm của các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và UBND cấp huyện trên phần mềm. III. XẾP HẠNG, PHÂN LOẠI VÀ CÔNG BỐ CHỈ SỐ CCHC NĂM 2018 1. Xếp hạng và phân loại chỉ số CCHC năm 2018: a) Về điều tra xã hội học và nguyên tắc xếp hạng kết quả CCHC: tính theo thứ tự điểm Chỉ số CCHC (bao gồm điểm thẩm định của Tổ đánh giá tỉnh và điểm điều tra xã hội học) từ cao xuống thấp. b) UBND tỉnh xếp hạng và phân loại chỉ số CCHC năm 2018 đối với cơ quan, đơn vị, địa phương. 2. Công bố Chỉ số CCHC: UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số CCHC của các Sở, ban, ngành; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh. IV. KHEN THƯỞNG 1. UBND tỉnh tặng bằng khen cho các cơ quan, đơn vị đạt chỉ số CCHC cao theo Kế hoạch số 34/KH-HĐTĐKT ngày 26/10/2016 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng về việc triển khai thực hiện phong trào thi đua đẩy mạnh công tác CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. 2. Nguồn kinh phí khen thưởng: Nguồn kinh phí khen thưởng từ Quỹ thi đua, khen thưởng của tỉnh (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh cấp). V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Nội vụ: - Hoàn chỉnh và triển khai Bộ chỉ số CCHC của tỉnh theo thời gian quy định. - Xây dựng bộ câu hỏi điều tra xã hội học theo nhóm đối tượng, quy mô mẫu đã được xác định; chủ trì, phối hợp với Đơn vị điều tra khảo sát thực hiện điều tra xã hội học phục vụ cho Bộ chỉ số. - Theo dõi, đôn đốc triển khai kế hoạch xác định Chỉ số CCHC. - Hướng dẫn chấm điểm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương. - Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông vận hành phần mềm chấm điểm chỉ số CCHC cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn chỉnh phần mềm đảm bảo hoạt động hiệu quả. - Tổ chức các cuộc họp Tổ đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC tỉnh để thẩm định kết quả CCHC các cơ quan, đơn vị, địa phương. - Tổng hợp báo cáo kết quả xác định chỉ số CCHC các cơ quan, đơn vị. - Trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả chấm điểm chỉ số CCHC và tổ chức Hội nghị công bố kết quả xác định Chỉ số CCHC năm 2018 của tỉnh; - Xây dựng dự toán kinh phí triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2018 gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. 2. Sở Tài chính: Có trách nhiệm thẩm định, tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí theo quy định. 3. Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan: - Triển khai công việc xác định Chỉ số CCHC theo Kế hoạch. - Tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo xác định Chỉ số CCHC của đơn vị theo hướng dẫn của Sở Nội vụ và vận hành tích cực phần mềm chấm điểm chỉ số CCHC. - Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định Chỉ số CCHC của đơn vị, địa phương. - Văn phòng UBND tỉnh và các Sở: Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Nội vụ trong việc theo dõi, đánh giá CCHC đối với từng lĩnh vực theo sự phân công của UBND tỉnh. - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ trong việc thông tin, tuyên truyền thực hiện Bộ Chỉ số CCHC nhằm tạo sự đồng thuận trong CBCCVC và trong nhân dân. Trên đây là Kế hoạch xây dựng và triển khai xác định Chỉ số đánh giá kết quả CCHC của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị báo cáo, kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - TTr TU, TTr HĐND tỉnh; - CT, các PCT; - Các Sở, ban, ngành; - UBND các huyện, thành phố; - Lưu: VT- SNV. KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Thanh Tịnh
{ "issuing_agency": "Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu", "promulgation_date": "04/07/2018", "sign_number": "76/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Thanh Tịnh", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-86-2014-QD-UBND-Quy-che-phoi-hop-tiep-nhan-xu-ly-phan-anh-kien-nghi-Lao-Cai-263591.aspx
Quyết định 86/2014/QĐ-UBND Quy chế phối hợp tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị Lào Cai
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 86/2014/QĐ-UBND Lào Cai, ngày 12 tháng 12 năm 2014 QUYẾT ĐỊNH BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004; Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CHỦ TỊCH Doãn Văn Hưởng QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI (Ban hành kèm theo Quyết định số: 86/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 của UBND tỉnh Lào Cai) Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng 1. Quy chế này quy định trách nhiệm phối hợp giữa Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (sau đây viết tắt là UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là UBND cấp xã) và các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và thực thi thủ tục hành chính (gọi chung là phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính) liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính (chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức); Phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính (quy định hành chính không hợp pháp, không thống nhất đồng bộ, mâu thuẫn với điều ước quốc tế, không khả thi). 2. Quy chế này không quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều 2. Cơ quan tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị 1. Sở Tư pháp là đầu mối tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và thực thi thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. 2. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và thực thi thủ tục hành chính hoặc văn bản chuyển phản ánh kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh (do Sở Tư pháp trực tiếp chuyển). Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị 1. Tuân thủ pháp luật. 2. Công khai, minh bạch. 3. Quy trình cụ thể, rõ ràng, thống nhất. 4. Thủ tục tiếp nhận đơn giản, thuận tiện. 5. Tiếp nhận, xử lý đúng thẩm quyền. 6. Phối hợp trong xử lý phản ánh, kiến nghị. Điều 4. Giải thích từ ngữ Trong Quy chế này các từ ngữ sau đây được hiểu như sau: 1. Quy định hành chính là những quy định về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân, thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật. 2. Cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có phản ánh, kiến nghị. 3. Tổ chức là doanh nghiệp, hội, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật có phản ánh, kiến nghị. 4. Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác. 5. Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều này và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân. Điều 5. Hình thức và nội dung phối hợp thực hiện tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và thực thi thủ tục hành chính. 1. Hình thức phối hợp a) Bằng văn bản hành chính giữa các cơ quan trong thực hiện tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và thực thi thủ tục hành chính bảo đảm đúng quy trình và tiến độ thời gian quy định; b) Tổ chức các cuộc họp xin ý kiến chuyên môn, các hội thảo theo các lĩnh vực liên quan; c) Xác minh, liên lạc với cá nhân, tổ chức làm rõ tính xác thực các thông tin về cá nhân, tổ chức hoặc làm rõ thông tin phản ánh, kiến nghị trong đơn, thư; d) Công khai, đăng tải công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về nội dung quy định hành chính theo quy định. 2. Nội dung phối hợp a) Tiếp nhận, phân loại phản ánh, kiến nghị; b) Chuyển phản ánh, kiến nghị; c) Xử lý phản ánh, kiến nghị; d) Công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và kết quả xử lý, phản ánh kiến nghị; đ) Tuyên truyền về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; e) Báo cáo kết quả xử lý phản ánh kiến nghị. Chương II PHỐI HỢP TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan phối hợp thực hiện tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và thực thi thủ tục hành chính 1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp a) Đôn đốc các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện xử lý phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định; b) Công bố công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị trên Trang thông tin về thủ tục hành chính; c) Thường xuyên cập nhật kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị; d) Tổng hợp kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị và việc thực hiện chế độ báo cáo kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị để đưa vào bản nhận xét hàng năm trong quy trình xét thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh và các trường hợp đề nghị cấp trên khen thưởng; đ) Nghiên cứu, lựa chọn các phản ánh, kiến nghị về những quy định hành chính điển hình, nổi cộm đang gây bức xúc, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân để tham mưu Chủ tịch UBND giải quyết; e) Thực hiện việc lưu trữ hồ sơ phản ánh kiến nghị đã được tiếp nhận theo quy định của pháp luật về văn thư - lưu trữ. 2. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã a) Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện phản ánh, kiến nghị theo quy định của Quy chế này; b) Công khai địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị tại cơ quan, đơn vị mình và tại các đơn vị trực thuộc có tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính; c) Xử lý phản ánh, kiến nghị trong phạm vi thẩm quyền theo đúng quy định tại Điều 14, Điều 15 của Nghị định 20/2008/NĐ-CP và thời hạn quy định tại văn bản chuyển phản ánh kiến nghị của Sở Tư pháp; d) Báo cáo kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đến Sở Tư pháp để tổng hợp trình UBND tỉnh; đ) Thực hiện lưu trữ hồ sơ về xử lý phản ánh kiến nghị đã được xử lý theo quy định của pháp luật về văn thư - lưu trữ. Điều 7. Tiếp nhận, phân loại phản ánh, kiến nghị 1. Sở Tư pháp tiếp nhận, phân loại các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc thực hiện thủ tục hành chính để chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 13 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP. 2. Địa chỉ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, cụ thể: Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai, tầng 3, khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo phường Nam Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai Số điện thoại: 0203.828.598 Thư điện tử: [email protected] Điều 8. Chuyển phản ánh, kiến nghị 1. Trên cơ sở kết quả phân loại phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, Sở Tư pháp chuyển phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này, đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả xử lý với Chủ tịch UBND tỉnh và gửi cho cá nhân, tổ chức đã phản ánh, kiến nghị biết. 2. Chuyển phản ánh, kiến nghị đối với quy định thủ tục hành chính. a) Đối với các quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Sở Tư pháp tham mưu văn bản, trình Chủ tịch UBND tỉnh ký, gửi Bộ, ngành Trung ương để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định; b) Đối với các quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh: Sở Tư pháp chuyển phản ánh, kiến nghị đến các Sở, cơ quan liên quan để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phương án xử lý; c) Đối với các quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, UBND cấp huyện: Sở Tư pháp chuyển phản ánh, kiến nghị đến Hội đồng nhân dân, UBND cấp huyện xem xét, xử lý. 3. Chuyển phản ánh, kiến nghị đối với việc thực thi thủ tục hành chính: a) Đối với phản ánh, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức, đơn vị trực thuộc các Sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh: Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị được gửi cho Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh xử lý; b) Đối với phản ánh, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện: Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị được gửi đến Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý; c) Đối với phản ánh, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức thuộc UBND cấp xã: Văn bản đề nghị xử lý phản ánh, kiến nghị được gửi đến Chủ tịch UBND cấp huyện để chỉ đạo UBND cấp xã xử lý. 4. Đối với các phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền xử lý của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được phản ánh, kiến nghị, Sở Tư pháp chuyển phản ánh kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, đồng thời gửi văn bản cho cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị để biết. Điều 9. Xử lý phản ánh, kiến nghị 1. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP. 2. Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các Sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện xử lý phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định. 3. Trường hợp việc xử lý các phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính liên quan đến hai hay nhiều cơ quan hành chính nhà nước khác nhau mà các cơ quan này không thống nhất được phương án xử lý; những phản ánh, kiến nghị đã được các Sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã xử lý những cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị thì Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý. Điều 10. Công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và kết quả xử lý, phản ánh kiến nghị 1. Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị theo mẫu 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này. Niêm yết công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo đúng quy định tại Điều 19, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP. 2. Sở Tư pháp công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính được đăng trên Trang thông tin về thủ tục hành chính của tỉnh tại địa chỉ: http://thutuchanhchinh.laocai.gov.vn Điều 11. Tuyên truyền về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị 1. Sở Tư pháp hướng dẫn các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên phạm vi toàn tỉnh. 2. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã: a) Thực hiện và chỉ đạo cấp dưới trực tiếp thực hiện niêm yết công khai địa chỉ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định tại nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; b) Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cán bộ, công chức và nhân dân về các nội dung liên quan đến tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo hướng dẫn của Sở Tư pháp. Điều 12. Báo cáo kết quả xử lý phản ánh kiến nghị 1. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về Sở Tư pháp theo đường công văn và thư điện tử theo địa chỉ: [email protected]. 2. Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 13. Tổ chức thực hiện 1. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện tốt Quy chế này. 2. Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh việc triển khai, thực hiện Quy chế này trên địa bàn tỉnh theo quy định. 3. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh thì kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./. PHỤ LỤC MẪU NIÊM YẾT CÔNG KHAI ĐỊA CHỈ TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH (Ban hành kèm theo Quyết định số: 86/2014/QĐ-UBND, ngày 12/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh) Mẫu 01. Hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH Sở (tên cơ quan)... UBND tỉnh Lào Cai mong nhận được phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo các nội dung sau đây: - Những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước như: từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; sách nhiễu, gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm; không niêm yết công khai, minh bạch thủ tục hành chính hoặc niêm yết công khai không đầy đủ các thủ tục hành chính tại nơi giải quyết thủ tục hành chính; thủ tục hành chính được niêm yết công khai đã hết hiệu lực thi hành hoặc trái với nội dung thủ tục hành chính được đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính… - Quy định hành chính không phù hợp với thực tế; không đồng bộ, thiếu thống nhất; không hợp pháp hoặc trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính. - Đề xuất phương án xử lý những phản ánh nêu trên hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân. Phản ánh, kiến nghị được gửi hoặc liên hệ theo địa chỉ sau: - Tên cơ quan tiếp nhận - Địa chỉ liên hệ: số nhà, đường phố, huyện/thành phố, tỉnh. - Số điện thoại chuyên dùng: điện thoại cố định, điện thoại di động (nếu có). - Số Fax: - Địa chỉ thư điện tử: Lưu ý: - Phản ánh, kiến nghị phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; ghi rõ nội dung phản ánh, kiến nghị; - Ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín) của cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị; - Không tiếp nhận phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mẫu số 02. Phiếu tiếp nhận PAKN qua điện thoại 1. Thông tin về cá nhân, tổ chức PAKN Tên cá nhân, tổ chức PAKN: ………………………….................................................... ………………………….................................................... Địa chỉ: ………………………….................................................... Số điện thoại: ………………………….................................................... Email (nếu có): ………………………….................................................... 2. Nội dung PAKN: ………………………….................................................................................................... ………………………….................................................................................................... ………………………….................................................................................................... ………………………….................................................................................................... ………………………….................................................................................................... ………………………….................................................................................................... ………………………….................................................................................................... ………………………….................................................................................................... Số điện thoại gọi đến:………………..................................... Thời gian phản ánh, kiến nghị:…...............giờ….......…. phút Ngày.......................tháng.......................năm....................... Cán bộ tiếp nhận điện thoại (Ký và ghi rõ họ tên)
{ "issuing_agency": "Tỉnh Lào Cai", "promulgation_date": "12/12/2014", "sign_number": "86/2014/QĐ-UBND", "signer": "Doãn Văn Hưởng", "type": "Quyết định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-56-2015-QD-UBND-quy-trinh-chuyen-doi-mo-hinh-quan-ly-kinh-doanh-khai-thac-cho-Lao-Cai-301066.aspx
Quyết định 56/2015/QĐ-UBND quy trình chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ Lào Cai
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 56/2015/QĐ-UBND Lào Cai, ngày 09 tháng 12 năm 2015 QUYẾT ĐỊNH BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ, KINH DOANH VÀ KHAI THÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005; Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành: Công Thương, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./. TM. UỶ BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Doãn Văn Hưởng QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ, KINH DOANH VÀ KHAI THÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI (Ban hành kèm theo Quyết định số: 56/2015/QĐ-UBND ngày 09/12/2015 của UBND tỉnh Lào Cai) Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai (sau đây gọi tắt là chuyển đổi mô hình chợ) từ Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) quản lý, kinh doanh và khai thác chợ. 2. Đối tượng áp dụng: a) Quy định này áp dụng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đến công tác quản lý, kinh doanh và khai thác đối với các chợ đang hoạt động do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đang hoạt động theo mô hình do Nhà nước quản lý; b) Các chợ được đầu tư xây dựng bằng các nguồn huy động khác (không phải vốn nhà nước) không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy định này. Điều 2. Nguyên tắc và hình thức chuyển đổi mô hình chợ 1. Nguyên tắc a) Quá trình chuyển đôi mô hình chợ phải công khai minh bạch, theo kế hoạch được duyệt nhằm đảm bảo ổn định các hoạt động kinh doanh của chợ; bảo đảm các chế độ, quyền lợi của người lao động thuộc Ban quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia các hoạt động kinh doanh tại chợ; đáp ứng các yêu cầu quản lý của Nhà nước và hiệu quả kinh tế - xã hội của các chợ sau chuyển đôi; b) Đối với chợ khi chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác thực hiện chuyển giao toàn bộ nhân sự của Ban quản lý cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tiếp nhận sử dụng. Riêng đối tượng là cán bộ, công chức thuộc biên chế nhà nước (nếu có) do ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển giao hay không chuyển giao cho doanh nghiệp và giải quyết các chính sách, chế độ theo quy định hiện hành; c) Phương án chuyển đổi mô hình chợ (sau đây gọi tắt là Phương án chuyển đổi) phải được thẩm định, phê duyệt đúng quy định và công bố thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở chính quyền địa phương và Ban quản lý. 2. Hình thức chuyển đổi a) Đối với các chợ đầu mối, chợ hạng 1, chợ hạng 2: Thực hiện đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác chợ; b) Đối với các chợ hạng 3: Thực hiện phương thức xét chọn giao doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác chợ. Chương II QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ CHỢ Điều 3. Trình tự thực hiện chuyển đổi 1. Thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình chợ (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo). 2. Xây dựng Phương án chuyển đổi. 3. Thẩm định và phê duyệt Phương án chuyển đổi. 4. Công bố Phương án chuyển đổi. 5. Tổ chức xét chọn doanh nghiệp hoặc đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp giao quản lý, kinh doanh và khai thác chợ theo Phương án đã được phê duyệt. 6. Trình ủy ban nhân dân tỉnh hoặc ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định giao doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác chợ. Điều 4. Thành lập Ban chỉ đạo 1. Ban Chỉ đạo tỉnh a) Thẩm quyền thành lập: Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương; b) Cơ cấu thành phần: Ban Chỉ đạo tỉnh có 10 người, do 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban thường trực là Lãnh đạo Sở Công Thương; các thành viên là lãnh đạo các Sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Cục Thuế, Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Sở Công Thương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh. c) Nhiệm vụ: - Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp huyện xây dựng Phương án chuyển đổi trên địa bàn; - Thẩm định và trình Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án chuyển đổi trên địa bàn tỉnh; - Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức đấu thầu và lựa chọn doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác chợ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, phù hợp theo yêu cầu của từng giai đoạn và đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình trên địa bàn tỉnh; - Tổ chức đấu thầu đối với các chợ đầu mối, chợ hạng 1 trên địa bàn tỉnh; - Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Phương án chuyển đổi của các huyện, thành phố; tổng hợp kết quả thực hiện và các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trình ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết. 2. Ban chỉ đạo cấp huyện a) Thẩm quyền thành lập: Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của Trưởng phòng Phòng Kinh tế (Phòng Kinh tế và Hạ tầng); b) Cơ cấu, thành phần: Do 01 Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban thường trực là lãnh đạo Phòng Kinh tế (Phòng Kinh tế và Hạ tầng), tùy điều kiện cụ thể sẽ mời các thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia, với thành phần không quá 07 người; Phòng Kinh tế (Phòng Kinh tế và Hạ tầng) là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cấp huyện. c) Nhiệm vụ: - Xây dựng Phương án chuyển đổi các chợ trên địa bàn, trình Ban chỉ đạo tỉnh thẩm định; - Triển khai tổ chức thực hiện Phương án chuyển đổi sau khi có quyết định phê duyệt của ủy ban nhân dân tỉnh; - Chỉ đạo việc lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện quản lý chợ (hạng 3), hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp quản lý chợ (hạng 2) và trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định của Luật Đấu thầu và Quy định này; - Báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh về tình hình thực hiện Phương án chuyển đổi đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Điều 5. Xây dựng Phương án chuyển đổi 1. Ban chỉ đạo cấp huyện trực tiếp xây dựng Phương án chuyển đổi trên địa bàn a) Phương án chuyển đổi được xây dựng tổng thể, dài hạn cho tất cả các chợ trên địa bàn, có phân kỳ ưu tiên cho từng giai đoạn; b) Trong quá trình thực hiện, đối với các chợ có nhu cầu chuyển giao trước cho doanh nghiệp thì thực hiện xây dựng Phương án riêng cho từng chợ để trình thẩm định và phê duyệt. 2. Nội dung xây dựng Phương án chuyển đổi a) Đánh giá hiện trạng chợ bao gồm: - Hồ sơ pháp lý về thành lập chợ; hồ sơ về tài sản, quy mô xây dựng và nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ; hồ sơ về đất đai; hồ sơ về công nợ; - Báo cáo quyết toán (hoặc báo cáo tài chính, sổ sách tài liệu thu, chi) của chợ, danh sách thương nhân tại thời điểm chuyển đổi; tình hình hoạt động kinh doanh của chợ; b) Thực hiện kiểm kê, xác định lại giá trị toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã đầu tư và công nợ của chợ tại thời điếm chuyến đối; c) Phương án quản lý, kinh doanh và khai thác chợ gồm: - Phương án quản lý và sử dụng đất đai; Phương án bàn giao tài sản chợ; Phương án quản lý và sử dụng tài sản chợ; Phương án hoàn trả tài sản còn lại của chợ cho Nhà nước đối với các chợ được đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; - Phương án quản lý, kinh doanh, khai thác chợ sau chuyển đổi; - Phương án sử dụng lao động gồm: + Danh sách toàn bộ lao động có tên trong danh sách thường xuyên Ban quản lý chợ tại thời điểm xây dựng Phương án chuyển đổi; + Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng; + Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu (nếu có); + Danh sách và số lượng người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động (không bố trí được việc làm, hết hạn hợp đồng lao động) (nếu có); + Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện Phương án. - Các yêu cầu khác để phục vụ công tác quản lý Nhà nước ở địa phương (nếu có). d) Đề xuất cơ chế hỗ trợ theo quy định của pháp luật để việc chuyển đổi được tiến hành thuận lợi (nếu có); đ) Trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đơn vị đang quản lý chợ; của doanh nghiệp tiếp nhận quản lý chợ; của chính quyền địa phương có chợ trên địa bàn; của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chợ. Điều 6. Thẩm định Phương án chuyển đổi 1. Trình tự, thủ tục thực hiện thẩm định phương án chuyển đổi a) Ban chỉ đạo cấp huyện có trách nhiệm lập Tờ trình và gửi 01 bộ hồ sơ về Ban chỉ đạo tỉnh, hồ sơ gồm: - Tờ trình đề nghị phê duyệt Phương án chuyển đổi; - Phương án chuyển đổi, đảm bảo đầy đủ theo nội dung tại khoản 2 Điều 5 Quy định này. b) Nội dung thẩm định: Thẩm định các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định này. 2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ban chỉ đạo tỉnh tiến hành thẩm định và trình Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp phải hoàn chỉnh lại hồ sơ theo yêu cầu thẩm định, Ban chỉ đạo cấp huyện tiến hành chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh và gửi cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh để xem xét trình Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. 3. Kết quả thẩm định thể hiện bằng văn bản tổng hợp ý kiến tham gia của từng thành viên trong Ban chỉ đạo tỉnh. 4. Phương án chuyển đổi được phê duyệt là căn cứ để thực hiện chuyển giao các chợ trên từng địa bàn cho các doanh nghiệp tổ chức quản lý. Điều 7. Phê duyệt Phương án chuyển đổi 1. Thẩm quyền phê duyệt: Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án chuyển đổi đối với tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh. 2.Hồ sơ trình phê duyệt bao gồm: a) Tờ trình đề nghị phê duyệt; b) Dự thảo Quyết định phê duyệt; c) Các tài liệu liên quan (Phương án chuyển đổi; các tài liệu bản vẽ, tổng hợp ý kiến tham gia của từng thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh thẩm định). 3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh nhận được hồ sơ do cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh trình, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phê duyệt Phương án chuyển đổi. Điều 8. Công bố Phương án chuyển đổi 1. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định phê duyệt Phương án chuyển đổi, Ban chỉ đạo cấp huyện tiến hành công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (loa truyền thanh xã, phường, thị trấn), niêm yết nội dung công bố tại trụ sở của ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; tại nhà văn hóa các tổ dân phố (thôn, bản) và tại nơi làm việc của Ban quản lý chợ để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có liên quan biết, thực hiện. 2. Nội dung công bố: Quyết định phê duyệt Phương án chuyển đổi; hồ sơ, tài liệu (cho các đối tượng có nhu cầu tìm hiểu). 3. Thời hạn thông báo công khai và cung cấp hồ sơ là 60 (sáu mươi) ngày làm việc kể từ ngày Phương án được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Điều 9. Lập, đăng ký hồ sơ tiếp nhận quản lý chợ 1. Lập hồ sơ: Sau khi Phương án chuyển đổi được phê duyệt, các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận quản lý chợ thực hiện việc lập hồ sơ đăng ký tiếp nhận quản lý chợ, hồ sơ gồm: a) Công văn đề nghị giao tiếp nhận quản lý chợ; b) Hồ sơ năng lực của đơn vị, gồm: - Giới thiệu về đơn vị: Tên gọi, trụ sở làm việc, số tài khoản, nơi mở tài khoản, ngành nghề kinh doanh, năng lực tài chính, kinh nghiệm tổ chức quản lý và kinh doanh; - Phương án giải quyết các nội dung, yêu cầu, điều kiện của Phương án chuyển đổi đã được phê duyệt; - Quyền lợi, trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong thực hiện Phương án; - Các đề xuất, kiến nghị. c) Phương án tổ chức quản lý chợ; d) Cam kết tổ chức quản lý hoạt động chợ theo quy định hiện hành; đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có). Đối với các tài liệu quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, yêu cầu doanh nghiệp nộp bản chính, riêng tài liệu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này nộp bản photo copy. 2. Tiếp nhận hồ sơ: Hồ sơ đăng ký tiếp nhận quản lý chợ của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này được lập thành 02 bộ và nộp cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cấp huyện qua đường bưu điện hoặc trực tiếp để được xem xét giải quyết theo quy định. 3. Thời hạn giải quyết a) Đối với trường hợp xét chọn doanh nghiệp, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, Ban chỉ đạo cấp huyện có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và giao cơ quan thường trực trình ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định giao quản lý chợ. Trường hợp nếu hồ sơ thẩm định không đạt yêu cầu thì phải làm văn bản trả lời và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp; b) Đối với trường hợp đấu thầu, thực hiện theo Luật Đấu thầu. Điều 10. Lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện để giao quản lý chợ 1. Trường hợp xét chọn doanh nghiệp quản lý chợ (hạng 3): Ban chỉ đạo cấp huyện căn cứ hồ sơ đã tiếp nhận và tổ chức xét chọn doanh nghiệp quản lý chợ trên địa bàn. 2. Tiêu chí xét chọn doanh nghiệp để giao quản lý chợ a) Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nội dung của Phương án chuyển đổi trên địa bàn đã được Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; b) Việc xét chọn doanh nghiệp căn cứ vào năng lực của đơn vị, cụ thể: - Năng lực quản lý; - Năng lực tài chính: Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng tổng tài sản còn lại của chợ theo sổ sách tại thời điểm gần nhất; - Phương án kinh doanh, khai thác và quản lý chợ của doanh nghiệp phù hợp với Phương án đã được phê duyệt; - Khả năng đáp ứng các yêu cầu khác (hoàn trả toàn bộ hoặc một phần kinh phí Nhà nước đã đầu tư xây dựng chợ, đóng góp ngân sách địa phương, thu hút lao động địa phương). c) Tiêu chí ưu tiên: Trong số các doanh nghiệp đủ tiêu chí để xem xét quyết định giao quản lý chợ (chợ hạng 3) được áp dụng tiêu chí ưu tiên đối với doanh nghiệp có Phương án theo thứ tự: - Xây dựng mới lại toàn bộ chợ; - Cải tạo, sửa chữa lại cơ sở hạ tầng, địa điểm kinh doanh tại chợ; - Đã quản lý ít nhất một chợ hoặc lãnh đạo doanh nghiệp đã có thời gian công tác từ 3 năm trở lên trong công tác quản lý chợ. 3. Đối với các chợ đầu mối, chợ hạng 1, chợ hạng 2: Ban chỉ đạo tỉnh, Ban chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu và quy định này để lựa chọn đơn vị đủ điều kiện để giao tiếp nhận quản lý chợ theo đúng Phương án chuyển đổi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giao quản lý chợ cho doanh nghiệp trúng thầu. Điều 11. Quyết định giao doanh nghiệp quản lý chợ 1. Thẩm quyền quyết định giao doanh nghiệp quản lý chợ a) Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao doanh nghiệp quản lý các chợ đầu mối, chợ hạng 1; b) Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao doanh nghiệp quản lý các chợ hạng 2, chợ hạng 3 trên địa bàn huyện, thành phố. 2. Cơ quan trình hồ sơ quyết định giao doanh nghiệp quản lý chợ a) Sở Công Thương trình hồ sơ quyết định giao doanh nghiệp quản lý đối với các chợ đầu mối, chợ hạng 1; b) Phòng Kinh tế (Phòng Kinh tế và Hạ tầng) trình hồ sơ quyết định giao doanh nghiệp quản lý đối với các chợ hạng 2, chợ hạng 3. 3. Quyết định giao doanh nghiệp quản lý chợ, gồm những nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên doanh nghiệp quản lý chợ; b) Nội dung cơ bản của Phương án chuyển đổi; c) Quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý chợ và các cơ quan liên quan; d) Tổ chức thực hiện; đ) Xử lý vi phạm nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng Phương án chuyển đổi được phê duyệt. Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 12. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành của tỉnh 1. Sở Công Thương a) Tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh; b) Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo tỉnh; c) Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh, chủ trì phối hợp với các cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện Quy định này; định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình triển khai thực hiện; d) Soạn thảo các văn bản về quản lý chợ trên địa bàn, trình Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định hoặc ban hành theo thẩm quyền; đ) Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thu hút doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi mô hình; e) Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quy định này; g) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi hoặc yêu cầu ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi đối với quyết định giao doanh nghiệp quản lý chợ mà không thực hiện đúng Phương án chuyển đổi đã được phê duyệt; h) Lập, quản lý kinh phí phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh được cấp hàng năm đảm bảo đúng chế độ và nguyên tắc chi tiêu tài chính. 2. Sở Tài chính a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan định giá tài sản các chợ đầu mối, chợ hạng 1 trên địa bàn tỉnh trình Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; b) Hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp huyện về trình tự, thủ tục định giá tài sản của các chợ hạng 2 và chợ hạng 3; c) Hướng dẫn xử lý tài chính đối với tài sản của các chợ và chi phí thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh; d) Chủ trì tham mưu, đề xuất mức thu phí chợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trước khi các doanh nghiệp đưa vào khai thác, quản lý và kinh doanh; đ) Tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh (cấp qua tài khoản của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh), hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quy định này và các văn bản khác có liên quan. 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư a) Chủ trì xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chợ; hướng dẫn cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về lĩnh vực đầu tư chợ; b) Hướng dẫn trình tự, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chợ; c) Chủ trì thẩm định, trình ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp quản lý chợ có Phương án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ. 4.Sở Tài nguyên và Môi trường a) Hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các chợ được chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý, trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định; phối hợp với ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai đối với các khu đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ; b) Chủ trì thực hiện công tác kiểm tra, quản lý Nhà nước về môi trường trong quản lý, kinh doanh khai thác chợ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. 5. Sở Xây dựng a) Cung cấp các thông tin về quy hoạch xây dựng khi có yêu cầu; b) Hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng chợ theo quy định hiện hành trong đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ; c) Thực hiện công tác quản lý chất lượng và cấp giấy phép xây dựng công trình chợ theo phân cấp của ủy ban nhân dân tỉnh. 6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội a) Hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động được ký hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động đang làm việc tại Ban quản lý chợ khi thực hiện chuyển đổi mô hình chợ; b) Chủ trì đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động tại các chợ. 7. Sở Nội vụ Hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên hưởng lương từ ngân sách đang làm việc tại Ban quản lý khi thực hiện chuyển đổi mô hình chợ. 8. Cục Thuế tỉnh Quản lý, kiểm tra việc thu, nộp ngân sách của các đơn vị quản lý chợ (tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, các khoản thu, nộp ngân sách khác). 9. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách phát triển, quản lý chợ; vận động và hướng dẫn trình tự, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập các hợp tác xã quản lý và khai thác chợ. Điều 13. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp huyện 1. Thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp huyện, chịu trách nhiệm trong việc xây dựng Phương án chuyển đổi đối với tất cả các hạng chợ trên địa bàn được giao quản lý. 2. Đôn đốc, giám sát Ban chỉ đạo cấp huyện xây dựng Phương án chuyển đổi; xét chọn doanh nghiệp quản lý chợ trên địa bàn theo Quy định này, trình Ban chỉ đạo tỉnh thẩm định để trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. 3. Tuyên truyền, vận động, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp tham gia tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng chợ theo quy định của pháp luật và Quy định này, phù hợp với quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh. 4. Trực tiếp chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện việc chuyển đổi mô hình chợ trên địa bàn theo Phương án đã được phê duyệt; chủ động giải quyết theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến tài sản, đất đai, lao động trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình chợ. 5. Chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, quản lý, điều hành, đầu tư xây dựng chợ, việc thực hiện Phương án đã được phê duyệt của doanh nghiệp được chuyển giao quản lý chợ, kịp thời phát hiện các vi phạm, sai sót để có các giải pháp xử lý và kiến nghị xử lý kịp thời. 6. Báo cáo tình hình thực hiện chuyển đổi mô hình chợ về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh, để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. 7. Đảm bảo kinh phí phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện theo đề nghị của Phòng Kinh tế (Phòng Kinh tế và Hạ tầng) và Phòng Tài chính - Kế hoạch. 8. Chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã a) Phối hợp cung cấp các thông tin cần thiết có liên quan trong quá trình xây dựng Phương án chuyển đổi của Ban chỉ đạo cấp huyện đối với các chợ trên địa bàn quản lý; b) Tuyên truyền, vận động về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích chuyển giao hệ thống chợ cho doanh nghiệp quản lý; c) Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã tham gia quản lý các chợ trên địa bàn theo Phương án chuyển đổi đã được phê duyệt. 9. Chỉ đạo các Ban quản lý chợ hiện có a) Tổng hợp, cung cấp số liệu, thông tin có liên quan về hiện trạng chợ đang quản lý để Ban chỉ đạo cáp huyện xây dựng Phương án chuyển đổi; b) Phối hợp triển khai thực hiện các quy định về chuyển đổi mô hình chợ theo Phương án đã được phê duyệt; c) Thông báo công khai Phương án chuyển đổi đã được phê duyệt tại Ban quản lý chợ để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân biết và thực hiện. Điều 14. Trách nhiệm của doanh nghiệp được giao quản lý chợ 1. Tiếp nhận toàn bộ hiện trạng chợ bao gồm: Cơ sở hạ tầng; bộ máy quản lý, nhân viên (nếu có); tài chính; tài sản cố định và các hồ sơ, tài liệu liên quan. 2. Thực hiện đúng nội dung Phương án chuyển đổi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sau khi chuyển đổi, các doanh nghiệp quản lý chợ hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Hợp tác xã. Đảm bảo việc kinh doanh tại chợ diễn ra bình thường, không xáo trộn trước, trong và sau khi chuyển đổi và phải tuân thủ các quy định hiện hành. 3. Thực hiện nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, hoàn trả trị giá các tài sản còn lại của chợ cho ngân sách Nhà nước (nếu có) và các khoản nộp ngân sách Nhà khác theo quy định của pháp luật. 4. Doanh nghiệp được giao quản lý chợ thực hiện tiếp nhận và triển khai công tác quản lý chợ sau không quá 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày có quyết định chuyển giao, quá thời hạn trên sẽ thực hiện xem xét thu hồi quyết định (trừ trường hợp bất khả kháng). Trong trường hợp doanh nghiệp được giao quản lý chợ có phương án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo chợ thực hiện theo quy định của Quyết định chủ trương đầu tư. Các khó khăn, vướng mắc, thay đổi, điều chỉnh bổ sung trong công tác tiếp nhận, quản lý, đầu tư xây dựng phải báo cáo và trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, sau khi có quyết định điều chỉnh, bổ sung của cấp có thẩm quyền mới được tiếp tục triển khai thực hiện. Điều 15. Điều khoản thi hành 1. Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Quy định này. 2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Công Thương đế tổng hợp, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
{ "issuing_agency": "Tỉnh Lào Cai", "promulgation_date": "09/12/2015", "sign_number": "56/2015/QĐ-UBND", "signer": "Doãn Văn Hưởng", "type": "Quyết định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-884-QD-UBND-2019-cong-bo-thu-tuc-hanh-chinh-Thuy-loi-Uy-ban-cap-xa-Quang-Binh-412301.aspx
Quyết định 884/QĐ-UBND 2019 công bố thủ tục hành chính Thủy lợi Ủy ban cấp xã Quảng Bình
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 884/QĐ-UBND Quảng Bình, ngày 13 tháng 3 năm 2019 QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC CÔNG BỐ DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỦY LỢI THUỘC THẦM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA UBND CẤP XÃ TỈNH QUẢNG BÌNH CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH Căn Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Căn cứ Nghị định số 63/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính; Căn cứ Quyết định số 4638/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thủy lợi thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Căn cứ Quyết định số 2525/QĐ-BNN-TCTL ngày 29/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thủ tục hành chính thay thế về lĩnh vực thủy lợi thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 294/SNN-TL ngày 22/02/2019, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thủy lợi thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã tỉnh Quảng Bình. Điều 2. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm: 1. Tổ chức xây dựng và phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã được công bố tại Quyết định này, gửi Sở Thông tin và Truyền thông để thiết lập quy trình điện tử lên hệ thống thông tin một cửa điện tử theo hướng dẫn tại Công văn số 1388/UBND-KSTT ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh về việc xây dựng quy trình tin học hóa giải quyết thủ tục hành chính. 2. Sao gửi và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức công khai và thực hiện các thủ tục hành chính này theo đúng quy định. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - Như Điều 4; - Bộ Nông nghiệp và PTNT; - Cục Kiểm soát TTHC - VP Chính phủ; - CT, các PCT UBND tỉnh; - Cổng thông tin điện tử tỉnh QB; - Lưu VT, KSTTHC. KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Tiến Hoàng DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỦY LỢI THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA UBND CẤP XÃ TỈNH QUẢNG BÌNH (Ban hành kèm theo Quyết định số 884 /QĐ-UBND , ngày 13tháng 3 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình) Số TT Tên TTHC Thời hạn giải quyết Địa điểm thực hiện Phí, lệ phí Căn cứ pháp lý Nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích 1 Thủ tục hỗ trợ đầu tư xây dựng phát triển thủy lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (Đối với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp, ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương phân bổ dự toán cho UBND cấp xã thực hiện) 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định UBND các xã, phường, thị trấn Không - Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017; - Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Có 2 Thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ UBND các xã, phường, thị trấn Không - Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017; - Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Có 3 Thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ UBND các xã, phường, thị trấn Không - Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017; - Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Có
{ "issuing_agency": "Tỉnh Quảng Bình", "promulgation_date": "13/03/2019", "sign_number": "884/QĐ-UBND", "signer": "Nguyễn Tiến Hoàng", "type": "Quyết định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-16-2016-QD-UBND-quan-ly-mat-nuoc-bien-de-nuoi-trong-thuy-san-Kien-Giang-311478.aspx
Quyết định 16/2016/QĐ-UBND quản lý mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản Kiên Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 16/2016/QĐ-UBND Kiên Giang, ngày 13 tháng 04 năm 2016 QUYẾT ĐỊNH BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ MẶT NƯỚC BIỂN ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003; Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản; Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 88/TTr-SNNPTNT ngày 15 tháng 3 năm 2016, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định quản lý mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 35/2008/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ban hành Quy định giao mặt nước biển, cho thuê mặt nước biển đối với các tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cho thuê mặt nước biển và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển cho cá nhân trong nước sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có mặt nước biển và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Mai Anh Nhịn QUY ĐỊNH QUẢN LÝ MẶT NƯỚC BIỂN ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG (Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang) Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Quy định này quy định về thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương về quản lý mặt nước biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Quy định này không điều chỉnh việc giao khu vực biển nhất định trên vùng biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Việc giao khu vực biển nhất định trên vùng biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Điều 2. Đối tượng áp dụng Quy định này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân đang sử dụng hoặc có nhu cầu sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến việc giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Điều 3. Những hành vi bị cấm 1. Lợi dụng việc sử dụng khu vực biển được giao gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. 2. Bao chiếm mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước hoặc cấp có thẩm quyền cho phép. 3. Sử dụng khu vực biển được giao hoặc cho thuê không đúng mục đích; lấn, chiếm biển; hủy hoại môi trường biển. 4. Sang nhượng quyền sử dụng mặt nước biển được giao, cho thuê không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. 5. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng mặt nước biển được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 6. Cản trở hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển; hoạt động giao thông biển, khai thác, sử dụng hợp pháp tài nguyên biển đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện trong khu vực biển được giao hoặc cho thuê và các hoạt động hợp pháp khác trên biển theo quy định. 7. Cung cấp trái pháp luật thông tin về khu vực biển được giao hoặc cho thuê khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. 8. Cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình sử dụng khu vực biển được giao hoặc cho thuê. 9. Vi phạm các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật. Chương II GIAO, CHO THUÊ MẶT NƯỚC BIỂN ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Điều 4. Thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản 1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao mặt nước biển không thu tiền sử dụng mặt nước biển cho cá nhân sinh sống tại địa phương trực tiếp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại xác nhận hoặc phải chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Thủy sản 2003. 2. Ủy ban nhân dân tỉnh cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trong các trường hợp sau đây: a) Tổ chức, cá nhân thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xét duyệt. 3. Đối với tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trước khi Luật Thủy sản 2003 có hiệu lực thì được chuyển sang thuê khi hết thời hạn được giao, trừ đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này. 4. Ủy ban nhân dân tỉnh giao mặt nước biển cho cơ quan nghiên cứu khoa học về thủy sản theo quy hoạch, chương trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 5. Đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển không thuộc trường hợp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư thì trước khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh gửi văn bản xin ý kiến của các bộ, ngành theo quy định của pháp luật về đất đai và về biển. 6. Cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thì có thẩm quyền cấp quyết định giao, cho thuê hoặc thu hồi quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định. Điều 5. Hạn mức diện tích và thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản 1. Diện tích mặt nước biển được giao để nuôi trồng thủy sản không quá một (01) ha. Trường hợp giao mặt nước biển phục vụ công tác nghiên cứu khoa học thì diện tích mặt nước biển giao tùy thuộc vào đề án, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 2. Diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản không quá ba mươi (30) ha trong vùng biển ba (03) hải lý trở vào bờ hoặc không quá một trăm (100) ha trong vùng biển cách bờ từ ba (03) hải lý trở ra. Riêng đối với các đảo và quần đảo: Diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản không quá ba mươi (30) ha trong vùng biển một (01) hải lý trở vào bờ đảo, quần đảo hoặc không quá một trăm (100) ha trong vùng biển cách bờ từ một (01) hải lý trở ra. 3. Thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá hai mươi (20) năm, được tính từ ngày ghi trong quyết định giao, cho thuê mặt nước biển. 4. Trường hợp diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản mà không được sử dụng hết theo quy định thì bị thu hồi phần diện tích mặt nước biển không được sử dụng đó. Điều 6. Điều kiện giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản 1. Việc giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương. Trường hợp ở các vùng biển chưa có quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản thì phải có văn bản lấy ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan. 2. Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Điều 7. Trình tự, thủ tục giao, cho thuê, gia hạn quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản 1. Thủ tục hành chính về giao, cho thuê, gia hạn quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 13 Nghị định số 27/2005/NĐ-CP. 2. Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ: a) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với trường hợp xin giao hoặc gia hạn thời hạn giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 27/2005/NĐ-CP. b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với các trường hợp xin thuê, gia hạn thời gian thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản hoặc xin giao, gia hạn thời hạn giao mặt nước biển để nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản. 3. Khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế phối hợp với cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường cùng cấp tổ chức bàn giao thực địa cho cá nhân, tổ chức được giao, cho thuê. Điều 8. Gia hạn thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản 1. Việc gia hạn thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản được xem xét khi đáp ứng các điều kiện sau: a) Giấy phép đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh còn hiệu lực hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn (đối với tổ chức trong và ngoài nước). b) Tổ chức, cá nhân sử dụng mặt nước biển được giao hoặc cho thuê đúng mục đích; thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật. c) Đến thời điểm đề nghị gia hạn, tổ chức, cá nhân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật (nếu có). d) Trước thời điểm hết hạn quyền sử dụng mặt nước biển sáu (06) tháng. 2. Thời hạn gia hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không vượt quá thời hạn giao, cho thuê trước đó. Điều 9. Giá cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản 1. Việc thu tiền thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản do cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính từng trường hợp cụ thể theo đơn giá cho thuê hiện hành và chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. 2. Trong trường hợp đấu giá quyền thuê mặt nước biển hoặc đấu thầu dự án có sử dụng mặt nước biển thuê thì đơn giá thuê là đơn giá trúng đấu giá. Chương III QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHI ĐƯỢC GIAO, CHO THUÊ VÀ THU HỒI MẶT NƯỚC BIỂN ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ðiều 10. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản 1. Quyền của các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản được quy định tại Điều 25 và Điều 30 Luật Thủy sản 2003. 2. Nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản được quy định tại Điều 26 và Điều 31 Luật Thủy sản 2003. Điều 11. Những trường hợp Nhà nước thu hồi mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản Nhà nước thực hiện việc thu hồi toàn bộ hoặc một phần mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản trong các trường hợp sau đây: 1. Sử dụng không đúng mục đích; trường hợp diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản mà không được sử dụng hết theo quy định, thì bị thu hồi phần diện tích mặt nước biển không được sử dụng đó. 2. Quá 24 tháng liền mà không sử dụng để nuôi trồng thủy sản, trừ trường hợp có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. 3. Người sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 26 và Điều 31 Luật Thủy sản 2003. 4. Người sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản tự nguyện trả lại diện tích được giao, thuê. 5. Nhà nước có nhu cầu thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng và an ninh. 6. Chuyển nhượng mặt nước biển được giao hoặc cho thuê để nuôi trồng thủy sản khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Điều 12. Xử lý tài sản đã đầu tư trên mặt nước biển, tiền thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản khi mặt nước biển đã giao, cho thuê bị thu hồi hoặc tự nguyện trả lại Việc xử lý tài sản đã đầu tư trên mặt nước biển, tiền thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản khi mặt nước biển đã giao, cho thuê bị thu hồi hoặc tự nguyện trả lại được thực hiện theo Điều 14 Nghị định số 27/2005/NĐ-CP . Chương IV TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ QUẢN LÝ MẶT NƯỚC BIỂN ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định giao, cho thuê; gia hạn thời gian giao, cho thuê; thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. 2. Tiếp nhận, lưu trữ và sử dụng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo nhiệm vụ được giao từ Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện. 3. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện tốt Quy định này. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình quản lý mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản về Ủy ban nhân dân tỉnh. 4. Tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản từ Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định cấp đổi theo thẩm quyền. Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường 1. Bàn giao, hướng dẫn sử dụng cơ sở dữ liệu về mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận. 2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác khảo sát và bàn giao thực địa đối với các trường hợp xin giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. 3. Thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc giao nộp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đã được cấp. Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính Bố trí kinh phí sự nghiệp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Điều 16. Trách nhiệm của Cục Thuế Cơ quan thuế thực hiện xác định đơn giá, tính tiền thuê mặt nước biển phải nộp và ra thông báo tiền thuê mặt nước biển gửi đến người có nghĩa vụ phải nộp. Điều 17. Trách nhiệm của Sở, ban, ngành có liên quan 1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng mặt nước biển phục vụ phát triển của ngành (nếu có); 2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý mặt nước biển trên địa bàn tỉnh. Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã 1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện: a) Bàn giao cơ sở dữ liệu về mặt nước biển đã cho thuê trên địa bàn cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận. b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác khảo sát và bàn giao thực địa đối với các trường hợp xin giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn quản lý. c) Thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc giao nộp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đã được cấp. Tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quy định này, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Thủy sản) để làm thủ tục cấp đổi theo quy định. d) Xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo theo quy hoạch của tỉnh phục vụ cho công tác quản lý mặt nước biển. e) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện tốt Quy định này. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình quản lý mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Chi cục Thủy sản. g) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế: - Tiếp nhận, xử lý hồ sơ, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định giao, gia hạn thời gian giao, thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. - Tiếp nhận, lưu trữ và sử dụng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo thẩm quyền được giao từ Phòng Tài nguyên và Môi trường. - Phối hợp với các ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện tốt Quy định này. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình quản lý mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản về Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Thủy sản). - Tổng hợp danh sách các cá nhân xin giao mặt nước biển đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện từ Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cấp đổi theo thẩm quyền. h) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường: - Bàn giao, hướng dẫn sử dụng cơ sở dữ liệu về mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế tiếp nhận. - Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế trong công tác khảo sát và bàn giao thực địa đối với các trường hợp xin giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. - Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc giao nộp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đã được cấp. 2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã: a) Tuyên truyền, phổ biến Quy định này đến với người dân trên địa bàn được biết. b) Phối hợp trong công tác khảo sát và bàn giao thực địa đối với các trường hợp xin giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn quản lý. c) Hỗ trợ thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc giao nộp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đã được cấp theo Quy định này. d) Giám sát tình hình sử dụng mặt nước biển đã được giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân. Kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê những trường hợp vi phạm về việc sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo Quy định này. Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 19. Xử lý vi phạm 1. Tổ chức hoặc cá nhân nào bao chiếm mặt nước biển; chuyển nhượng quyền sử dụng mặt nước biển trái phép; không tuân thủ quyết định thu hồi mặt nước biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có hành vi gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên; vi phạm pháp luật về thủy sản hoặc xâm hại đến quyền lợi hoặc gây thiệt hại tài sản người khác thì tùy theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà xử lý bằng các biện pháp khôi phục lại theo hiện trạng ban đầu hoặc bồi thường cho người bị thiệt; xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. 2. Người nào có hành vi vi phạm Quy định này hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm Quy định này và pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp 1. Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 35/2008/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ban hành Quy định giao mặt nước biển, cho thuê mặt nước biển đối với các tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cho thuê mặt nước biển và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển cho cá nhân trong nước sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản chỉ được tiếp tục sử dụng theo hạn mức, thời hạn đã được giao, cho thuê khi thực hiện việc giao nộp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển theo quy định. 2. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại Quy định này có trách nhiệm thu hồi, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển (cũ) bằng quyết định giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo mẫu mới. Thời hạn thu hồi, cấp đổi được thực hiện trong vòng 12 tháng kể từ ngày Quy định này có hiệu lực. Điều 21. Tổ chức thực hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biểu mẫu, trình tự thực hiện thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; chủ trì phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế và các ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có mặt nước biển tổ chức và theo dõi tiến trình triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn hoặc tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết.
{ "issuing_agency": "Tỉnh Kiên Giang", "promulgation_date": "13/04/2016", "sign_number": "16/2016/QĐ-UBND", "signer": "Mai Anh Nhịn", "type": "Quyết định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Quyet-dinh-01-2013-QD-UBND-Quy-che-quan-ly-su-dung-nha-chung-cu-Thanh-pho-Ha-Noi-163491.aspx
"Quyết định 01/2013/QĐ-UBND Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư Thành phố Hà N(...TRUNCATED)
"ỦY BAN NHÂN DÂN \nTHÀNH PHỐ HÀ NỘI \n--------\n\nCỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆ(...TRUNCATED)
{"issuing_agency":"Thành phố Hà Nội","promulgation_date":"04/01/2013","sign_number":"01/2013/Q(...TRUNCATED)
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-2934-QD-UBND-2022-sua-doi-Quyet-dinh-5506-QD-UBND-Ha-Noi-527463.aspx
Quyết định 2934/QĐ-UBND 2022 sửa đổi Quyết định 5506/QĐ-UBND Hà Nội
"ỦY BAN NHÂN DÂN\nTHÀNH PHỐ HÀ NỘI\n-------\n\nCỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT N(...TRUNCATED)
{"issuing_agency":"Thành phố Hà Nội","promulgation_date":"17/08/2022","sign_number":"2934/QĐ-(...TRUNCATED)
README.md exists but content is empty. Use the Edit dataset card button to edit it.
Downloads last month
31
Edit dataset card